Tổng kết 08 năm triển khai Đề án Xây dựng xã hội học tập
(18/06/2021, 16:00)
Sáng ngày 18/6/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 08 năm thực hiện Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 09/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 -2020”. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Phạm Tất Dong - Chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu huyện Lắk, đồng chí Nguyễn Xuân Hoản - Phó Chủ tịch UBND huyện - Chủ trì.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Sau 8 năm triển khai thực hiện Đề án 89, các cấp, các ngành và đoàn thể từ Trung ương đến cơ sở đã quan tâm chỉ đạo, tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm túc và đã đạt được kết quả quan trọng góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Theo đó, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và xã hội và toàn thể người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập có chuyển biến tích cực, có khoảng 72,77% tổng số gia đình trong toàn quốc đạt danh hiệu gia đình học tập, 66,51% dòng họ trong toàn quốc đạt danh hiệu dòng họ học tập, 65,38% thôn, bản, khóm, ấp, tổ dân phố trong toàn quốc đạt danh hiệu cộng đồng học tập, 85,73% cơ quan, trường học, hợp tác xã, doanh nghiệp… trên địa bàn xã, phường, thị trấn đạt danh hiệu đơn vị học tập. Công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ được củng cố vững chắc: Tỷ lệ người biết chữ độ tuổi từ 15 - 60 là: 97,85%, 100% tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 và 33,3% tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, 100% tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1, 27,93% tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2 và 4,76% tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn, lý luận chính trị cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được tăng cường: 94,22% cán bộ, công chức từ trung ương đến huyện được đào tạo đáp ứng tiêu chuẩn quy định, 84,98% cán bộ, công chức giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý các cấp được đào tạo, bồi dưỡng theo chương trình quy định, 86,84% cán bộ cấp xã được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, điều hành theo vị trí công việc, 94,75% cán bộ cấp xã có trình độ chuyên môn theo chuẩn quy định, 83,88% công chức cấp xã thực hiện chế độ bồi dưỡng bắt buộc tối thiểu hằng năm. Mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên tiếp tục được củng cố và phát triển nhanh chóng về số lượng, đa dạng về mô hình, hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của người dân.
Các cơ sở giáo dục đã đẩy mạnh dạy học từ xa, dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình và từng bước xây dựng các khóa học trực tuyến mở đại chúng: Sau 5 năm thực hiện Đề án “Phát triển đào tạo từ xa giai đoạn 2015-2020”, số lượng cơ sở giáo dục đại học có mở chương trình đào tạo từ xa cấp văn bằng đã tăng lên đáng kể, tính đến năm 2020, cả nước đã có 25 cơ sở giáo dục đại học có mở chương trình đào tạo từ xa cấp văn bằng trình độ đại học với tổng số 178 chương trình đào tạo từ xa trong đó 84 chương trình đào tạo có sinh viên.
Các thiết chế văn hóa, các phương tiện thông tin đại chúng đã tham gia cung ứng các chương trình học tập suốt đời và tổ chức các chương trình giáo dục mở trên sóng phát thanh, truyền hình…
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Đề án còn một số hạn chế. Trong đó, nhận thức và trách nhiệm đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ở một số địa phương, cơ quan, doanh nghiệp, trường học, đơn vị… còn chưa đồng bộ, đúng mức. Công tác đào tạo, bồi dưỡng ở một số nơi chưa gắn với yêu cầu công việc, vị trí việc làm, chức danh mà cán bộ, công chức đảm nhiệm. Các hoạt động học tập suốt đời ở ngoài nhà trường chưa đa dạng, phong phú, điều kiện hoạt động còn nhiều khó khăn. Nhiều trung tâm học tập cộng đồng hoạt động còn kém hiệu quả, chưa đáp ứng được nhu cầu học tập đa dạng của người dân. Số người mù chữ ở các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn rất cao....
Để phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những tồn tại, hạn chế, Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030” đề ra một số giải pháp trọng tâm như: Chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa, vai trò, lợi ích của học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập đến mọi người dân. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào các hoạt động học tập suốt đời. Đẩy mạnh sự tham gia của các cơ sở giáo dục đại học liên thông qua hệ thống các cơ sở giáo dục thường xuyên để cung ứng nguồn tài nguyên học liệu mở, mở rộng cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người…
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định: Xây dựng xã hội học tập không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành Giáo dục mà là của cả hệ thống chính trị và Bộ Giáo dục và Đào tạo có vai trò nòng cốt, quan trọng. Qua 8 năm thực hiện Đề án 89 đã có nhiều kết quả quan trọng cho việc xây dựng hình thành xã hội học tập. Điều đó cho thấy, đây là một chủ trương được ban hành kịp thời và đi vào thực tiễn. Trong thời gian tới, để đề án hiệu quả thì cần phải có sự đổi mới trong quá trình hoạt động và phương pháp thực hiện. Trọng tâm là phải xác định được rõ vai trò của các thành tố và các bên liên quan của quá trình xây dựng xã hội học tập và mỗi người phải nhận thức được nhu cầu hoạt động để phát triển bản thân. Đồng thời các cá nhân phải được tạo điều kiện được ghi nhận về thái độ học tập.