Kiểm tra việc thực hiện quy trình lựa chọn sách giáo khoa tại huyện Lắk
(27/10/2023, 13:55)
Sáng ngày 26/10/2023, Đoàn kiểm tra việc thực hiện quy trình lựa chọn sách giáo khoa trên địa bàn tỉnh do đồng chí Lê Thị Kinh Oanh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đạo tạo tỉnh, Phó trưởng Đoàn cùng các thành viên Đoàn kiểm tra đã đến làm việc tại huyện Lắk. Tiếp và làm việc với Đoàn về phía huyện có đồng chí Nguyễn Anh Tú – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện cùng đại diện lãnh đạo các phòng Giáo dục và Đào tao, Nội vụ, Tài chính - Kế hoạch huyện, các chuyên viên phụ trách và hiệu trưởng các đơn vị trường học được kiểm tra.
Hiện tại, trên địa bàn huyện có 43 trường học và 01 nhóm trẻ, 773 phòng các loại; có 547 lớp, với 17.154 học sinh (tính cả trường Mầm non Ánh Dương và nhóm trẻ tư thục), so với cùng kỳ năm học trước tăng 01 lớp, tăng 422 học sinh; trong đó tuyển mới 4.745 học sinh. Toàn ngành có 1.155 người trong đó viên chức quản lý 83 viên chức, giáo viên 881 giáo viên, nhân viên 191 nhân viên.
Trong thời gian qua, việc triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, trên địa bàn huyện đã đạt được kết quả đáng khí lệ, như: 100% trường học thực hiện đúng theo sự lựa chọn sách giáo khoa của đơn vị, trên cơ sở danh mục sách giáo khoa đã được UBND tỉnh phê duyệt; đổi mới phương pháp dạy học, thi, kiểm tra đánh giá chất lượng giáo dục. Công tác bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục được quan tâm; việc biên soạn, phê duyệt, phát hành sách giáo khoa, tài liệu giáo dục theo quy trình; việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tiếp tục được quan tâm; các nhà trường đã phát huy tính chủ động, linh hoạt trong việc triển khai thực hiện chương trình mới; đội ngũ giáo viên đã thực hiện hiệu quả các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.
Ủy ban nhân dân huyện đã kịp thời chỉ đạo phòng Giáo dục và Đào tạo huyện ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các trường Tiểu học và Trung học cơ sở thực hiện các quy trình lựa chọn sách giáo khoa đúng theo quy định; tất cả danh mục sách giáo khoa đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt đều được giới thiệu đến các cơ sở giáo dục trước khi tổ chức lựa chọn; viên chức quản lý, giáo viên tham gia lựa chọn sách giáo khoa ở các trường đều có năng lực, tinh thần trách nhiệm; các trường tổ chức thực hiện việc lựa chọn sách giáo khoa cấp tỉnh thực hiện đúng quy trình; đã cơ bản nhận được sự đồng thuận của Nhân dân, của giáo viên và học sinh, các sách giáo khoa được chọn đã tổ chức triển khai dạy và học là những bộ sách nằm trong danh mục quy định, đồng thời những bộ sách khác đều được triển khai mua sắm làm tài liệu tham khảo ở các đơn vị trường học…
Tuy nhiên, huyện Lắk vẫn là huyện khó khăn, bên cạnh nhữn mặt đã đạt được cũng không tránh khỏi một số tồn tại, hạn chế như việc tổ chức góp ý, lựa chọn sách giáo khoa một số môn còn gặp khó khăn vì số lượng giáo viên của mỗi trường còn mỏng; một vài địa phường còn sử dụng nhiều bộ sách, thậm trí ngay trong 1 đơn vị trường học; đội ngũ giáo viên còn chưa đồng bộ về cơ cấu, số lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục còn thừa thiếu cục bộ; một số đầu sách không được triển khai tiếp theo như môn Khoa học tự nhiên lớp 8 bộ Chân trời sáng tạo gây khó khăn cho việc lựa chọn sách của các nhà trường; một số sách giáo khoa đã sử dụng của các năm học trước muốn thay thế sách của nhà xuất bản khác thì quy trình chậm….
Tại buổi làm việc đồng chí Lê Thị Kinh Oanh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đạo tạo tỉnh, Phó trưởng Đoàn phát biểu, Đoàn sẽ tổ chức kiểm tra công tác thực hiện quy trình lựa chọn sách giáo khoa trên địa bàn theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Kết luận thanh tra số 1813/KL-BGDĐT; việc mua sắm thiết bị dạy học và sử dụng cơ sở vật chất; công tác xã hội hóa giáo dục; việc thực hiện theo phân cấp quản lý giáo dục và đào tạo.
Cũng tại buổi làm việc, huyện đã đề xuất, kiến nghị một số ý kiến, giải pháp để khắc phục tồn tại hạn chế đó là ở một địa phương nên tổ chức 1 bộ sách dạy chung, các bộ sách khác làm tài liệu tham khảo; triển khai cho chọn lại các bộ sách các năm trước để giáo viên và học sinh có cách tiếp cận tài liệu mới; đánh giá cơ cấu, thực trạng, nhu cầu phát triển đội ngũ giáo viên trong thời gian tới và có giải pháp phù hợp, kịp thời để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên và nguồn tuyển giáo viên; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu Chương trình Giáo dục phổ thông; tổ chức tập huấn sách giáo khoa trực tiếp để việc thảo luận và tiếp nhận được nhiều thông tin hơn./.