Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội - Điểm tựa vững chắc trong xóa đói, giảm nghèo ở huyện Lắk
(17/12/2024, 09:57)
Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và thực hiện công bằng xã hội, hạn chế phân hóa giàu nghèo, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển bền vững đất nước; thể hiện đặc trưng cơ bản, thuộc tính quan trọng của định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường ở Việt Nam.
Ngay từ đầu năm 2024, Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Lắk cân đối nguồn lực giải ngân cho vay với mục tiêu xuyên suốt không để ai bị bỏ lại phía sau vì thiếu vốn, tính đến thời điểm 30/11/2024, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Lắk đã chủ động giải ngân hơn 151 tỷ đồng cho 2.811 lượt hộ gia đình để đầu tư phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định cuộc sống. Tổng dư nợ tín dụng đạt hơn 584 tỷ đồng với 10.798 hộ.
Đàn trâu của gia đình chị H Goanh Du từ nguồn vốn vay tín dụng chính sách của NHCSXH huyện Lắk
Chị H Goanh Du buôn Yok Đuôn, xã Yang Tao, huyện Lắk cho hay: “Nhờ vốn NHCSXH mà gia đình có điều kiện phát triển kinh tế, đời sống tốt hơn. Tôi đã vay thêm vốn ngân hàng để mua thêm trâu giống để chăn nuôi thêm…”
Thông qua việc giải ngân kịp thời các nguồn vốn tín dụng đã hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách giải quyết các nhu cầu căn bản của đời sống, góp phần lan tỏa tích cực chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước. Bà Huỳnh Thị Bích Liễu ở buôn Lê, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk chia sẻ: “Gia đình tôi đã được tạo điều kiện vay vốn chương trình HSSV, hộ nghèo. Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách mà tôi có điều kiện nuôi con học đại học, có tiền để cải tạo đất trồng cà phê để tăng thu nhập”. Theo đó, mô hình trồng cây cà phê của gia đình bà Huỳnh Thị Bích Liễu mang lại hiệu quả kinh tế ổn định.
Góp phần tích cực đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến tận tay người dân, mạng lưới 248 Tổ tiết kiệm và vay vốn ở các thôn, buôn đã phát huy sức mạnh của cộng đồng, của các tổ chức Chính trị- xã hội trong việc kiểm tra, giám sát, quản lý hoạt động tín dụng chính sách ngay tại cơ sở. Ông Lăng Văn Xuân - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn buôn Krái, xã Bông Krang, huyện Lắk cho biết: “Tôi đã tuyên truyền, phổ biến các chương trình tín dụng ưu đãi của Nhà nước để bà con nắm bắt cũng như vận động bà con mạnh dạn vay vốn phát triển sản xuất. Bây giờ bà con có nhu cầu đã mạnh dạn vay thêm vốn phát triển kinh tế gia đình, thực hiện gửi tiết kiệm tại Tổ”.
Tín dụng chính sách xã hội được thiết kế thành hệ thống chính sách đồng bộ, hỗ trợ đa chiều, giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu trong cuộc sống của người nghèo, đối tượng chính sách khác; hạn chế, đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội theo định hướng của Đảng, Nhà nước, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ tại vùng nghèo; góp phần thu hẹp khoảng cách giữa thành thị với nông thôn, và thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định trật tự, an toàn xã hội, an ninh quốc phòng; tăng cường, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Lãnh đạo NHCSXH tỉnh, công an tỉnh kiểm tra mô hình vay vốn theo quyết định 22 – Tín dụng đối với người chấp hành án phạt tù
Đồng hành và truyền tải nguồn vốn tín dụng chính sách đến bà con nông dân trên địa bàn huyện Lắk, Ông Bùi Quang Tuyên - Giám đốc NHCSXH huyện Lắk cho biết “ Đến hết tháng 11, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Lắk đã triển khai cho vay 13 chương trình tín dụng chính sách với tổng dư nợ đạt hơn 584 tỷ đồng; với 10.798 khách hàng còn dư nợ. Thông qua nguồn vốn tín dụng, đơn vị đã tạo điều kiện cho hơn 2,8 nghìn lượt hộ vay vốn. Từ nguồn vốn vay đã giúp 678 hộ nghèo vay phát triển kinh tế và vươn lên thoát nghèo, tạo việc làm mới cho hơn 647 lao động, giúp hơn 839 lượt hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có vốn phát triển kinh tế, cho vay hỗ trợ xây dựng cải tạo hơn 1,2 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, giúp cho 12 lượt học sinh, sinh viên được trang trải chi phí học tập, sinh hoạt; 13 người chấp hàng xong án phạt tù có điều kiện phát triển kinh tế và hòa nhập cộng đồng”… Từ đầu năm 2024 đến nay, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Lắk đã phấn đấu tăng trưởng tín dụng đạt từ 8 - 10%. Trong tâm thế chủ động, phấn khởi thực hiện nhiệm vụ chính trị ngay từ đầu năm, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Lắk đã quyết tâm nỗ lực để thực hiện tốt các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao. Đồng thời, tiếp tục tranh thủ nguồn vốn Trung ương phân bổ, nguồn vốn ủy thác địa phương nhằm tập trung cho vay đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
Có thể nói, tín dụng chính sách xã hội là cầu nối hết sức thiết thực, hiệu quả, đã thực sự đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Trong đó, sự quan tâm của Đảng, nhà nước. Trực tiếp là chính quyền địa phương, đây là yếu tố quyết định trong việc thực hiện thành công tín dụng chính sách xã hội; đã khai thác và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, góp phần xây dựng tín dụng chính sách xã hội ngày càng sâu rộng và bền vững hơn. Với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, NHCSXH Lắk đã xây dựng mạng lưới hoạt động rộng khắp toàn huyện, triển khai kịp thời, trên diện rộng chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ “nơi nào có người nghèo và đối tượng chính sách, nơi đó có NHCSXH”. Kết quả này đã được huyện uỷ, HĐND, UBND và các ban ngành, đoàn thể… đặc biệt là đông đảo quần chúng nhân dân trong huyện ghi nhận, đánh giá cao./.