Hội nghị trực tuyến Phiên họp thứ chín của Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ
(16/01/2025, 15:48)
Chiều 15/1, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức Phiên họp thứ 9 nhằm tổng kết công tác cải cách hành chính năm 2024, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Đồng chí Nguyễn Hoà Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó trưởng Ban chỉ đạo cải cách hành chính Chính phủ chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu trực tuyến huyện Lắk có các đồng chí Ban Chỉ đạo CCHC của huyện, các đồng chí Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo CCHC huyện. Đồng chí Nguyễn Anh Tú – Phó Chủ tịch UBND huyện chủ trì điểm cầu của huyện.
Đồng chí Nguyễn Anh Tú - Phó Chủ tịch UBND huyện chủ trì điểm cầu của huyện
Năm 2024, công tác cải cách hành chính được cả hệ thống chính trị của huyện quan tâm chỉ đạo động bộ, quyết liệt với quyết tâm thực hiện các mục tiêu đặt ra, từng bước xây dựng chính quyền thân thiện, tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức hành động của mỗi cán bộ, công chức; cũng như củng cố, tăng niềm tin vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cơ quan hành chính nhà nước đối với người dân, tổ chức. Việc đầu tư nâng cấp Cổng thông tin điện tử huyện và xây dựng Trang thông tin điện tử các xã, thị trấn, hệ thống hội nghị trực tuyến huyện với các xã, thị trấn đã được triển khai. Cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin của huyện từng bước được nâng lên, ngày càng đáp ứng nhu cầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của huyện, nhu cầu xử lý công việc, nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động cải cách hành chính đạt kết quả tốt, góp phần nâng cao hiệu quả công việc, giảm thiểu thời gian và tiết kiệm chi phí hành chính. Tình hình tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân: Công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại địa phương đã được cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo, cùng với ý thức, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người dân được nâng lên nên công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong công tác phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả đối với các hành vi vi phạm pháp luật. Công tác tổ chức bộ máy, công tác cán bộ được được quan tâm chỉ đạo thực hiện; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được nâng lên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Công tác bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan, đơn vị được thực hiện đảm bảo theo quy định. Thực hiện đảm bảo, đúng quy định và hiệu quả về chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế, kinh phí theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP của Chính phủ.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã đạt được công tác CCHC của huyện vẫn còn một số tồn tại như - Công tác phối hợp giữa một số bộ phận liên quan trong xử lý, giải quyết TTHC chưa chưa nhịp nhàng, chặt chẽ, đồng bộ; chưa chủ động trong xử lý công việc; chế độ thông tin báo cáo chưa đồng đều dẫn đến kết quả xử lý còn chậm trễ, nên hồ sơ thực tế đã trả kết quả trước hẹn hoặc đúng hẹn cho công dân, nhưng trên hệ thống iGate một số quy trình còn xảy ra tình trạng trễ hẹn, dẫn đến quy trình chung trễ hẹn. Đội ngũ, cán bộ, công chức chưa thực sự chủ động sáng tạo trong việc đề xuất các sáng kiến, mô hình hiệu quả trong công tác cải cách hành chính. Công tác chuyển đổi số còn nhiều bất cập và hạn chế nhất định như:
Còn thiếu cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin, trình độ tiếp cận về công nghệ thông tin ở một số cán bộ công chức và người dân còn hạn chế, việc sử dụng ví điện tử với tài khoản ngân hàng còn gặp nhiều khó khăn... nên mặc dù trong công tác chỉ đạo, điều hành tuy quyết liệt, song công tác triển khai, vận dụng ở các địa phương còn chậm so với yêu cầu. Việc hướng dẫn cho người dân, tổ chức thực hiện dịch vụ công trực tuyến còn nhiều khó khăn do đội ngũ nhân lực mỏng, kiêm nhiệm nhiều việc. Các đối tượng đăng ký giải quyết các thủ tục, đặc biệt là liên quan đến chính sách Lao động, thương binh, xã hội đa số là người lớn tuổi, người tàn tật hạn chế trong sử dụng công nghệ thông tin nên tự cá nhân không thể thực hiện các thủ tục hành chính bằng hình thức trực tuyến. Đối với cấp xã: Khối lượng công việc nhiều (đặc biệt là ở lĩnh vực Tư pháp - Hộ tịch) công chức làm nhiệm vụ ở lĩnh vực này phải giải quyết TTHC ngay trong ngày, người dân khi làm TTHC vẫn gửi hồ sơ là bản giấy. Do đó, khó đáp ứng được yêu cầu giảm thời gian chờ đợi của công dân, vừa số hóa hồ sơ, vừa số hóa kết quả giải quyết TTHC. Hiện nay, huyện Lắk còn thiếu 23 công chức cấp xã, vì vậy đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ giải quyết công việc của các đơn vị. Dịch vụ bưu chính công ích đã được tuyên truyền và triển khai rộng rãi, tuy nhiên nhu cầu của người dân còn hạn chế (lý do: công dân sợ thất lạc hồ sơ trong quá trình trả kết quả), nên số lượng hồ sơ phát sinh và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích còn thấp, dịch vụ Bưu chính công ích chủ yếu chỉ thực hiện trả kết quả lĩnh vực căn cước công dân và thẻ bảo hiểm xã hội ở cấp huyện. Việc liên kết tài khoản định danh điện tử, tài khoản dịch vụ công một số trường hợp thực hiện còn gặp khó khăn khi chưa thay đổi thông tin sang Căn cước công dân, đòi hỏi phải ra điểm giao dịch của ngân hàng và nhà mạng cung cấp dịch vụ di động để chuẩn hóa thông tin thuê bao, dẫn đến mất thời gian.
Đồng chí Nguyễn Hoà Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp
Đối với cả nước theo báo cáo tại Hội nghị, đã ban hành tổng số 4.673 văn bản để chỉ đạo, đôn đốc, quán triệt thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ CCHC; các bộ, ngành Trung ương đã hoàn thành 1.019/1.049 nhiệm vụ, đạt tỷ lệ 97,14% so với kế hoạch, cao hơn 2,74% so với cùng kỳ năm 2023; UBND các tỉnh, thành phố đã hoàn thành 2.842/2.917 nhiệm vụ, đạt tỷ lệ 97,43% so với kế hoạch đề ra, thấp hơn 1,22% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong năm, các địa phương đã thực hiện hơn 34.000 phóng sự, tin bài chuyên đề thông tin, tuyên truyền về CCHC; tổ chức hơn 100 hội nghị, tọa đàm và 28 cuộc thi tìm hiểu về CCHC; các bộ, ngành đã tiến hành kiểm tra tại 166 cơ quan, đơn vị trực thuộc; qua đó, kịp thời xử lý và chỉ đạo xử lý đối với 37/139 vấn đề tồn tại, hạn chế phát hiện qua kiểm tra, đạt tỷ lệ 26,62%. Các địa phương đã tiến hành kiểm tra tại 761 cơ quan, đơn vị; qua đó, kịp thời xử lý và chỉ đạo xử lý đối với 1.958/2.056 nhóm vấn đề tồn tại, hạn chế phát hiện qua kiểm tra, đạt tỷ lệ 95,23%;…
Có 13 bộ, cơ quan đã cắt giảm, đơn giản hóa 420 quy định kinh doanh (QĐKD) tại 36 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), nâng tổng số QĐKD được các bộ, cơ quan cắt giảm, đơn giản hóa từ năm 2021 đến nay là 3.195 QĐKD tại 281 VBQPPL trên tổng số 15.763 QĐKD, đạt 20,2% và vượt qua mục tiêu tối thiểu đề ra cho cả giai đoạn 2020 - 2025.
Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và hoàn thiện quy định về vị trí việc làm tại cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, cải cách chính sách tiền lương tiếp tục có chuyển biến rõ nét, đạt được những kết quả tích cực; Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số tiếp tục được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt.
Phát biểu tại phiên họp, đồng chí Nguyễn Hoà Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ ghi nhận và biểu dương những nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị đã đạt được trong công tác CCHC trong năm qua. Năm 2025, đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm, toàn diện, đồng bộ, có hiệu quả Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ và Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 02/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 - 2030;
Đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa TTHC ngay từ khâu xây dựng VBQPPL; rà soát, kiến nghị bãi bỏ các TTHC, điều kiện kinh doanh không cần thiết, không khả thi, không rõ ràng, khó xác định, không phù hợp thực tiễn, là rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; tăng cường phân cấp trong giải quyết TTHC, giảm chi phí tuân thủ TTHC cho người dân, doanh nghiệp.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; tổ chức triển khai thí điểm mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc UBND cấp tỉnh tại một số địa phương theo kế hoạch. Tiếp tục đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện giải quyết TTHC và cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số theo kế hoạch, lộ trình đã phê duyệt; Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành, bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu đồng bộ, thống nhất, thông suốt giữa các cơ quan, địa phương phục vụ phân tích, xử lý dữ liệu, hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.