Thoát nghèo, vượt khó từ vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lắk
(12/03/2025, 13:35)
Trong những năm qua, hàng trăm hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn xã Nam Ka đã được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lắk để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo và từng bước vươn lên trong cuộc sống góp phần tích cực trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn huyện Lắk nói chung, xã Nam Ka nói riêng.
Nhiều hộ nghèo, cận nghèo của xã Nam Ka đã thoát nghèo từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội. Từ nguồn vốn vay này đã giúp nhiều hộ vay đầu tư mua bán nhỏ, cải tạo vườn, chăn nuôi. Chăm chỉ làm ăn, chỉ trong vòng 5 năm “Thời điểm khó khăn nhất nguồn vốn cho vay của Ngân hàng CSXH đã cứu cánh cho nhiều gia đình, tạo điều kiện thuận lợi để gia đình phát triển kinh tế. Qua đó Hội viên phụ nữ các hộ dân đã vượt qua khó khăn, từng bước có cuộc sống ổn định”.
Thông qua nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH huyện Lắk, nhiều mô hình kinh tế ở xã Nam Ka đã phát huy hiệu quả với các chương trình cho vay như: nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay Xuất khẩu lao động, hộ nghèo, hộ cận nghèo ... Từ nguồn vốn ưu đãi này của Ngân hàng CSXH đã thúc đẩy người dân trong xã phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cũng như góp phần thiết thực nâng cao chất lượng các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới nâng cao. Chị H Đăng Hmok - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Nam Ka, huyện Lắk cho biết: “Trong những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Nam Ka đã được tiếp cận các nguồn vốn của Ngân hàng CSXH và giúp cho nhiều hộ Hội viên phụ nữ thoát nghèo, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, góp phần xây dựng xã Nam Ka phát triển kinh tế - xã hội, hàng năm các chỉ tiêu Nghị quyết đề ra đều đạt và vượt kế hoạch.
Hình ảnh chị H Nhoa chia sẻ
Đến thời điểm hiện tại Buôn Krái có 182 tổ viên vay vốn từ nguồn ngân hàng chính sách xã hội huyện Lăk, tổng dư nợ: 9.481.400.000đ với đa dạng các chương trình vốn vay khác nhau, đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp cho bà con thoát nghèo cũng như trang trải cuộc sống, lo cho các con học hành đến nơi đến chốn.
Điển hình có hộ chị H Nhoa Hmok, sinh năm 1996 tại Buôn Krái, xã Nam Ka, huyện Lăk; giữa cái nắng mùa khô Tây Nguyên vào đầu tháng 02/2025, đến thăm khu vườn cà phê của chị H Nhoa vẫn xanh tươi và đang nở rộ bông trắng bên cạnh là khoai lang của gia đình chị. Chị cho biết nhiều năm trước, gia đình chị H Nhoa thuộc diện hộ nghèo của xã và được tiếp cận nguồn vốn cho vay từ Ngân hàng CSXH huyện Lăk với số tiền là 50 triệu đồng để trồng và chăm sóc cà phê, từ đó giúp gia đình chị xóa đói, giảm nghèo tạo điều kiện để gia đình chị phát triển kinh tế, đến nay gia đình chị đã có thu nhập ổn định, trả hết nợ ngân hàng đúng kỳ hạn còn có thêm vốn để đầu tư vào trồng khoai lang đem lại giá trị kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Thấy được hiệu quả nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi, năm nay chị tiếp tục đăng ký vay Ngân hàng CSXH để mở rộng quy mô trồng trọt “Tuy số lượng được vay mỗi lần không lớn, song cũng đã giúp chúng tôi rất nhiều trong mở hướng làm ăn, sản xuất, không chỉ gia đình tôi mà còn nhiều hộ khác tại các buôn của xã nhà, nhất là hộ nghèo, cận nghèo có cơ hội thay đổi cuộc sống, xây dựng cơ ngơi khấm khá từ phát huy nguồn vốn vay lãi suất thấp của Ngân hàng CSXH huyện”.
Hình ảnh chị H Nhoa chia sẻ cách chăm sóc khoai lang ít sâu bệnh
Chị H Nhoa chia sẻ tiếp “Với 1 xào khoai lang khoảng 3-4 tấn/xào với thị trường hiện nay thì số tiền 30.000đ đến 40.000.000đ/xào. Từ những cơ sở có được hiện nay chị đang hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ hóa để giảm sức lao động và thời gian hơn, cũng đảm bảo sản phẩm làm ra đạt yêu cầu.
Để nguồn vốn đến tay hộ nghèo và các đối tượng chính sách có hiệu quả; hàng năm, phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Lắk đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn và các tổ chức chính trị- xã hội tổ chức tuyên truyền, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách mới của Chính phủ, của tỉnh và địa phương; thực hiện niêm yết công khai đầy đủ các chính sách tín dụng ưu đãi về cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách tại xã. Đồng thời, thường xuyên chỉ đạo, rà soát chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn, kiểm tra việc bình xét cho vay đảm bảo công khai, minh bạch, đôn đốc, giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đúng quy định.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Hội LHPN huyện “Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức Hội cơ sở rà soát lại các đối tượng đủ điều kiện vay vốn, tạo điều kiện cho các hộ Hội viên phụ nữ được tiếp cận nguồn vốn trong thời gian sớm nhất”.
Phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lắk không chỉ góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, mà còn góp phần thay đổi diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện. Đây là tiền đề quan trọng để sớm xây dựng huyện Lắk trở thành khu Du lịch trọng điểm của Tỉnh Đắk Lắk mà Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra./.