Luôn cảnh giác kể cả khi có vaccine ngừa COVID-19
(04/03/2021, 08:11)
(Chinhphu.vn) - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh phải tiếp tục cảnh giác vì không ai có thể chắc chắn ở Việt Nam không có mầm bệnh, thậm chí ổ dịch tiềm tàng trong cộng đồng. Chúng ta cảnh giác nhưng không run sợ vì đã quen với “kẻ địch COVID-19”, dù có biến thể nào đi chăng nữa. Kiên trì chiến lược chống dịch từ đầu, vận dụng linh hoạt, sáng tạo, trên hết là sự ủng hộ của toàn thể nhân dân.
Chiều 26/2, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch bệnh hiện nay.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết chiều 26/2 ghi nhận có 5 ca mắc mới COVID-19, trong đó 4 ca ghi nhận tại Hải Dương đã được cách ly tập trung và một ca nhập cảnh đã được cách ly ngay tại Đồng Tháp.
Từ ngày 25/1 đến nay đã ghi nhận 831 ca mắc trong nước, trong đó, 12/13 tỉnh, thành phố có ca bệnh liên quan đến ổ dịch tại Hải Dương (là người trở về từ Hải Dương hoặc tiếp xúc với F0); 10/13 tỉnh, thành phố qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng.
Các thành viên Ban Chỉ đạo, chuyên gia đã phân tích diễn biến tình hình dịch bệnh 1 tháng qua, nhất là những ổ dịch lớn ở Hải Dương, Quảng Ninh, TPHCM… rút ra những bài học kinh nghiệm, để ứng phó tốt hơn trong thời gian tới.
Năng lực phản ứng được nâng lên rõ rệt
Các chuyên gia cho biết, những nghiên cứu trong phòng thí nghiệm trên thế giới cho thấy tốc độ lây lan sinh học của biến thể mới của virus SARS-CoV-2 nhanh hơn khoảng 1,7 lần nhưng trong thực tế kết hợp với các số liệu tính toán cho thấy thời gian lây nhiễm chủng virus trước đây khoảng 5-6 ngày 1 vòng lây nhưng hiện chỉ 3 ngày 1 vòng lây nên các chuyên gia đánh giá tốc độ lây lan trong thực tế của biến thể mới nhanh gấp 4-5 lần. Điều này đòi hỏi năng lực phát hiện, cách ly, khoanh vùng, đặc biệt là xét nghiệm phải tăng ít nhất 4-5 lần.
Từ phân tích các dữ liệu, ông Nguyễn Thế Trung, Tổ phó Tổ Thông tin đáp ứng nhanh phòng chống dịch bệnh COVID-19, cho biết vào thời điểm phát hiện ổ dịch Vân Đồn (Quảng Ninh) và ổ dịch Chí Linh (Hải Dương) - trung tuần tháng 1/2021 – trên thực tế đã có các ổ dịch khác: Ổ dịch Sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM); ổ dịch ở huyện Cẩm Giàng (Hải Dương); chưa kể đến trường hợp chuyên gia người Nhật tử vong mang chủng virus mới (nhiễm biến thể 20C của virus SARS-CoV-2); trường hợp ca bệnh ở Hải Dương mang chủng virus đang gây lây nhiễm ở Nam Phi.
Theo báo cáo của Bộ Y tế và các địa phương, tình hình dịch trên cả nước cơ bản được kiểm soát tốt. Sau 1 tháng phát hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên vào ngày 27/1, ổ dịch Vân Đồn (Quảng Ninh) và ổ dịch Chí Linh (Hải Dương) đã cơ bản được kiểm soát sau một thời gian ngắn. Kể từ ngày phát hiện ca đầu tiên, ổ dịch Vân Đồn (Quảng Ninh) cơ bản được kiểm soát sau 6 ngày; ổ dịch Chí Linh (Hải Dương) cơ bản được kiểm soát sau 8 ngày.
Tại cuộc họp, các thành viên Thường trực Ban Chỉ đạo phân tích rõ, năng lực phản ứng của ngành y tế, chính quyền, các lực lượng các cấp được nâng lên rất rõ. Qua ổ dịch TP. Chí Linh cho thấy, biến thể mới của virus SARS-CoV-2 lây nhanh hơn, xuất hiện ở khu công nghiệp – nơi tập trung nhiều công nhân làm việc trong môi trường kín. Tại ổ dịch Cẩm Giàng, dịch bệnh xuất hiện trong quán karaoke là dư địa thuận lợi cho virus lan truyền. Ban đầu, các địa phương như Hải Dương, Gia Lai chưa thực sự chủ động ngay về năng lực xét nghiệm và khoanh vùng dập dịch. Nhưng rất nhanh sau đó, các địa phương có ngay biện pháp khắc phục. Đây là nỗ lực rất lớn của ngành y tế và chính quyền các cấp trong thời gian vừa qua.
So sánh ổ dịch tại Hải Dương (1/2021) và Đà Nẵng (tháng 7/2020), đại diện Bộ Y tế cho biết, Ở Hải Dương, sau 3 ngày, chúng ta đã đuổi kịp dịch kể từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên (Đà Nẵng là 11 ngày), dịch bệnh cơ bản được khống chế, kiểm soát sau 8 ngày (Đà Nẵng là 23 ngày). Ổ dịch ở Hải Dương đã diễn ra trong 30 ngày với 645 ca mắc COVID-19, liên quan đến 13 tỉnh, thành phố liên quan; thực hiện xét nghiệm 340.217 mẫu; truy vết hơn 15.000 ca F1. Tại Đà Nẵng, sau 36 ngày, địa phương này không có thêm ca mắc mới trong cộng đồng, ghi nhận 389 ca mắc COVID-19, liên quan đến 15 tỉnh, thành phố; xét nghiệm 384.613 mẫu; truy vết hơn 11.000 ca F1.
Tuy nhiên, dịch bệnh ở Hải Dương xảy ra tại những cụm công nghiệp có số lượng công nhân rất lớn. Biến chủng virus SARS-CoV-2 tại Hải Dương (biến thể Anh B.1.1.7) có khả năng lây lan nhanh hơn virus gây dịch bệnh tại Đà Nẵng (Biến thể châu Âu D614G).
PGS.TS Trần Đắc Phu nhận định có nhiều nguyên nhân gây nên đợt dịch vừa qua nhưng có điều trùng hợp là các biến thể virus đều từ bên ngoài xâm nhập vào và có phần trùng với khoảng thời gian nhiều chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam làm việc, cách ly ngắn hạn.
Kiên trì chiến lược, vận dụng linh hoạt, sáng tạo
Qua mỗi đợt dịch, các chuyên gia kiến nghị phải khẩn trương đúc rút kinh nghiệm để bổ sung cách thức phòng, chống dịch tốt hơn. Điển hình, đợt chống dịch ở Đà Nẵng ghi nhận ca bệnh trong bệnh viện trở thành kinh nghiệm để Hải Phòng có thể xử lý triệt để ca bệnh nhiễm phát hiện trong bệnh viện. Tương tự, dịch bệnh xảy ra trong các khu công nghiệp ở Hải Dương là kinh nghiệm lớn để đúc rút lại, bổ sung các hướng dẫn, đặc biệt liên quan đến việc cách ly hàng nghìn người khi có dịch bệnh.
Đồng tình với nhận định của các chuyên gia, thành viên Ban Chỉ đạo trong cách chống dịch tiết kiệm của nước đang phát triển như Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ: Chiến lược 5 bước (Ngăn chặn; phát hiện; cách ly; khoanh vùng dập dịch; điều trị hiệu quả) được áp dụng hiệu quả trong đợt chống dịch vừa qua, cần tiếp tục kiên trì thực hiện. “Bài học trong đợt chống dịch vừa qua và những lần trước đó cho thấy chúng ta phải kiên trì và tiếp tục hoàn thiện chiến lược này. Trong mọi trường hợp, cố gắng phát hiện nhanh nhất, theo các bước truy vết thần tốc, truy đến đâu khoanh đến đó”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Trường hợp biến thể mới lây lan nhanh hoặc dẫn đến rủi ro cao, có thể áp dụng các biện pháp “phong tỏa trong phong tỏa” như Hải Dương đã thực hiện. “Vòng trong” truy vết nhỏ nhưng chặt, “vòng ngoài” phong tỏa tạm thời ở quy mô rộng hơn. Sau khi xác định được yếu tố rủi ro thì sẽ dỡ phong tỏa "vòng ngoài" để chống dịch nhưng cũng giảm thiểu thiệt hại kinh tế và xáo trộn đời sống người dân.
Có vaccine cũng không được chủ quan
Phó Thủ tướng đồng tình với Bộ Y tế, trong chống dịch thì vaccine ngừa COVID-19 vẫn là giải pháp căn cơ nhất. Thực tế cho thấy các nước bắt đầu triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 đã có hiệu quả. Bộ Y tế rất tích cực trong đàm phán, mua vaccine từ nước ngoài, nhận tài trợ vaccine từ các tổ chức quốc tế, chuẩn bị để tổ chức tiêm chủng thật tốt.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng nhắc lại khuyến nghị của các chuyên gia là có vaccine rồi nhưng không được chủ quan. Vì sau khi tiêm mũi vaccine thứ nhất chưa sinh kháng thể chống lại virus ngay mà phải đến mũi thứ hai. Trong khoảng thời gian giữa mũi thứ nhất và thứ hai vẫn phải coi như người chưa được tiêm vaccine. Thêm nữa, chúng ta chưa thể tiêm vaccine cho tất cả người dân. Trong khi so với các nước trên thế giới, Việt Nam đang kiểm soát rất tốt dịch bệnh nên bên ngoài “vẫn phải bao đê cho chặt”, ở bên trong, kể cả những người đã được tiêm vaccine, vẫn phải thực hiện nghiêm thông điệp 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế) và các biện pháp chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Trước những thông tin không chính thức về hiệu quả của vaccine Astrazeneca Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường khẳng định độ đặc hiệu của vaccine này từ 80% trở lên.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hoan nghênh Bộ Y tế, Bộ KH&CN, tất cả các đơn vị đã rất nỗ lực, cố gắng để thực hiện chương trình nghiên cứu, phát triển vaccine ngừa COVID-19 của Việt Nam. Sáng nay, 26/2, một trong ba vaccine đang được phát triển ở Việt Nam đã bắt đầu giai đoạn thử nghiệm thứ hai.
Phó Thủ tướng đề nghị việc nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm vaccine trong nước phải “tuân thủ tất cả các bước, chắc chắn nhưng cố gắng nhanh nhất có thể”. Đến nay các đơn vị nghiên cứu đã rút ngắn 50% thời gian thực hiện giai đoạn 2, từ 6 tháng xuống 3 tháng.
Những thông tin ban đầu cho thấy các vaccine ngừa COVID-19 chỉ sinh ra kháng thể trong một thời gian nhất định, có nghĩa nhiều khả năng hàng năm đều phải tiêm nhắc lại chứ không phải 1 đợt, hay 1 năm là xong. Dân số Việt Nam là 100 triệu người, việc phát triển thành công vaccine trong nước không chỉ khẳng định năng lực, niềm tự hào của đội ngũ khoa học y tế, đáp ứng kỳ vọng, sự tin tưởng của người dân mà còn giúp chủ động trong phòng, chống dịch, với kinh phí thấp hơn nhiều so với vaccine nhập khẩu.
Sự tri ân chân thành, thiết thực nhất
Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gửi lời chúc, lời cảm ơn, sự tri ân chân thành đến tất cả các thầy thuốc, những người làm công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Những người đã luôn luôn quên mình bảo vệ sức khoẻ của nhân dân, đặc biệt trong dịch bệnh COVID-19 suốt hơn 1 năm qua.
“Ngành y tế Việt Nam có truyền thống rất đáng tự hào. Sự cống hiến, trí tuệ của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế trong hơn 1 năm chống dịch COVID-19 càng làm vẻ vang truyền thống đó. Thế giới ghi nhận, đánh giá cao thành tựu chống dịch của Việt Nam, trong đó vai trò quan trọng hàng đầu của các thầy thuốc”, Phó Thủ tướng bày tỏ và mong muốn tất cả người dân Việt Nam thể hiện sự tri ân chân thành, thiết thực nhất đến tất cả các thầy thuốc, toàn bộ lực lượng chống dịch, những người vô cùng vất vả, bằng cách thực hiện thật tốt tất cả khuyến nghị, hướng dẫn của ngành y tế, cùng chung tay chống dịch.
“Hai đợt dịch trước nhiều bạn bè, tổ chức quốc tế bày tỏ sự ngạc nhiên, đánh giá cao kết quả dập dịch của Việt Nam, và đợt dịch thứ ba, dù khó khăn hơn rất nhiều nhưng đến thời điểm này có thể khẳng định chúng ta đã cơ bản chiến thắng đợt dịch thứ ba”, Phó Thủ tướng chia sẻ, đồng thời lưu ý “Chúng ta mới thắng từng trận đánh, từng chiến dịch, chứ chưa thắng cả cuộc chiến”.
Ngay ngày hôm nay, chúng ta vẫn phải tiếp tục cảnh giác vì không ai có thể chắc chắn ở Việt Nam không có mầm bệnh, thậm chí ổ dịch tiềm tàng trong cộng đồng. Chúng ta cảnh giác nhưng không run sợ vì đã quen với “kẻ địch COVID-19”, dù có biến thể nào đi chăng nữa, và sẽ chiến thắng nếu kiên trì chiến lược chống dịch từ đầu, trên hết là sự ủng hộ của toàn thể nhân dân.