Hội nghị trực tuyến về xây dựng cơ bản trên địa bản tỉn
(25/05/2023, 08:21)
Chiều 24/5, UBND tỉnh họp trực tuyến chuyên đề về xây dựng cơ bản nhằm nắm bắt tình hình giải ngân vốn đầu tư công, giải quyết các khó khăn trong quá trình thực hiện các dự án, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn xây dựng cơ bản trong thời gian tới. Đồng chí Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Võ Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì; Chủ trì tại điểm cầu huyện Lắk có đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Võ Thành Huệ, đại diện lãnh đạo các phòng chuyên môn và một số cơ quan, đơn vị có liên quan tham dự kỳ họp.
Tại huyện Lắk, công tác đầu tư xây dựng cơ bản luôn được các cấp, các ngành quan tâm lãnh đạo chỉ đạo thực hiện. Các đơn vị Chủ đâu tư, đơn vị thi công tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình xây dựng cơ bản đảm bảo theo đúng kế hoạch, chất lượng đề ra. Đôn đốc các đơn vị được giao làm chủ đầu tư các dự án năm 2023, khẩn trương hoàn thành các hồ sơ để triển khai thực hiện theo quy định. Tăng cường công tác quản lý quy hoạch, tực hiện cấp giấy phép xây dựng theo đúng quy định. Công tác quản lý chất lượng xây dựng công trình, quyết toán công trình hoàn thành được triển khai thực hiện theo đúng tiến bộ; thực hiện tốt công tác thẩm định hồ sơ và quản lý hoạt động xây dựng trên địa bàn.
Đối với tỉnh Đắk Lắk, tổng nguồn vốn xây dựng cơ bản năm 2023 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk trên 5.293 tỷ đồng. Đã giao chi tiết đến từng dự án là 4.779,2 tỷ đồng, trong đó, nguồn ngân sách trung ương đã giao đạt tỷ lệ 85,5%; nguồn ngân sách địa phương đã giao đạt 85,5%.
Tình hình giải ngân vốn đầu tư XDCB trên địa bàn tỉnh chưa đảm bảo theo kế hoạch đề ra. Đến ngày 18/5/2023 mới giải ngân được hơn 742/4.779 tỷ đồng (bằng 15,5% kế hoạch). Trong đó, tổng vốn XDCB thuộc ngân sách Trung ương đã giải ngân được hơn 410/2.821 tỷ đồng (14,5% kế hoạch); vốn trong nước đã giải ngân hơn 17,4/204 tỷ đồng (8,5% kế hoạch); nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đã giải ngân hơn 114,6/393,3 tỷ đồng (29,1% kế hoạch); Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội đã giải ngân hơn 45,1/1.095 tỷ đồng (4,1% kế hoạch); nguồn vốn ngân sách địa phương đã giải ngân hơn 235,4/1.930 tỷ đồng (12,2% kế hoạch).
Đến nay, có 2 đơn vị chưa thực hiện giải ngân; 12 đơn vị thực hiện giải ngân thấp hơn mức bình quân chung của tỉnh và có 16 đơn vị thực hiện giải ngân cao hơn mức bình quân chung của tỉnh. Trong đó, có 12 đơn vị giải ngân 17 – 50%; 4 đơn vị giải ngân trên 50% gồm Bộ chỉ huy quân sự tỉnh giải ngân đạt 52,8%; huyện Cư Kuin giải ngân đạt 72,2%; huyện Krông Ana giải ngân đạt 60,8% và thị xã Buôn Hồ giải ngân đạt 70,6%.
Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các sở, ngành và địa phương đã thảo luận, phân tích các nguyên nhân dẫn đến chậm giải ngân vốn xây dựng cơ bản trong 5 tháng đầu năm 2023 như: vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, lập, thẩm định, phê duyệt dự án còn chậm; thiếu đất đắp cho công trình; giá nguyên vật liệu tăng; các dự án khởi công mới đang tập trung thực hiện triển khai công tác đầu thầu, lựa chọn nhà thầu xây lắp; một số địa phương việc thu tiền sử dụng đất chậm nên dẫn đến việc thiếu vốn để thực hiện giải ngân cho một số dự án…
Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho rằng bên cạnh những nguyên nhân khách quan cần tập trung làm rõ những nguyên nhân chủ quan, trách nhiệm của các chủ đầu tư dẫn đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản đạt thấp. Các sở, ngành, địa phương liên quan cần tăng cường những biện pháp để đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để kịp thời triển khai các dự án. Các đơn vị có chức năng thẩm định, tham mưu phê duyệt hồ sơ liên quan đến triển khai thực hiện công trình, dự án đầu tư công cần phải tập trung nhân lực để thẩm định hồ sơ theo đúng quy định, đảm bảo chất lượng và thời gian.
Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra để phát hiện và xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho từng dự án, công trình. Đặc biệt cần kịp thời giải quyết vấn đề thiếu đất đắp cho các công trình, dự án. Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương cần chú trọng giải ngân nguồn vốn từ Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, không để mất nguồn vốn XDCB đã được phân bổ. Đối với các chủ đầu tư, cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, địa phương có liên quan đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, xử lý việc bồi thường khi thu hồi đất theo đúng quy định; Tiếp tục kiện toàn nhân sự và phát huy vai trò của 4 tổ công tác đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công.