Hội nghị trực tuyến về giải pháp phòng, chống thiên tai khu vực miền Trung và Tây Nguyên
(24/02/2022, 09:17)
Chiều 23/02/2022, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai tổ chức Hội nghị trực tuyến về giải pháp phòng, chống thiên tai khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Phó Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, Tổng cục Trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài chủ trì tại đầu cầu Trung ương. Đồng chí Y Giang Gry Niê Knơng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk. Tại điểm cầu huyện Lắk, đồng chí Võ Thành Huệ, Phó Chủ tịch UBND huyện, Chủ trì cuộc họp.
Theo báo cáo tại cuộc họp, khu vực miền Trung 40 năm gần đây, trong tổng số khoảng 347 cơn bão trên biển Đông, có tới 148 cơn bão ảnh hưởng đến đất liền nước ta, trong đó có 94 cơn bão đổ bộ vào khu vực miền Trung (chiếm trên 64%) tập trung từ tháng 9 đến tháng 11. Ngập lụt cũng xảy ra thường xuyên gây thiệt hại lớn và mức độ ngày càng khốc liệt; sạt lở đất, lũ quét gây thiệt hại nghiêm trọng về người tại khu vực miền núi phía Tây các tỉnh miền Trung; hạn hán, xâm nhập mặn gây thiệt hại lớn tại Duyên hải Nam Trung bộ; sạt lở bờ sông, bờ biển cũng thường xuyên xảy ra sau các trận bão, mưa lũ, gây thiệt hại lớn về nhà, đất sản xuất, cơ sở hạ tầng; rét hại gây thiệt hại về chăn nuôi cho các tỉnh Bắc Trung bộ.
Tại khu vực Tây Nguyên, mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, lốc, sét, hạn hán, bão, áp thấp nhiệt đới thường xuyên xảy ra; từ cuối năm 2014 đến giữa năm 2016, hạn hán đã xảy ra gay gắt, gây thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống nhân dân tại 5 tỉnh Tây Nguyên làm 1.500ha rừng sản xuất, 140.600ha cây công nghiệp; hơn 17.500ha lúa bị thiệt hại với tổng thiệt hại trên 6.000 tỷ đồng.
Trung ương và địa phương đã chủ động, triển khai đồng bộ, có hiệu quả các hoạt động phòng chống thiên tai. 17/19 tỉnh, thành phố hoàn thành xây dựng phương án ứng phó thiên tai và rà soát phương án ứng phó thiên tai trong điều kiện dịch bệnh; xây dựng đội xung kích cấp xã 3.309/3.443 xã (chiếm 96%) với 197.305 người để hỗ trợ người dân ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; sắp xếp hướng dẫn, neo đậu cho 348.720 nghìn lượt phương tiện và hơn 1.670.000 lao động, 186 nghìn lồng bè nuôi trồng thủy sản... Tuy nhiên, công tác dự báo, cảnh báo chỉ ở mức tương đối chính xác; nhiều hồ chứa thủy lợi hư hỏng chưa có kinh phí sửa chữa; đê điều xuống cấp tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn; công trình kết hợp sơ tán dân còn hạn chế, chưa đồng bộ.
Theo thống kê, tại huyện Lắk, tổng diện tích các loại cây trồng thiệt hại do ảnh hưởng ngập lụt gây ra trong vụ Đông Xuân 2021 - 2022 trên địa bàn huyện là 1,102.47ha. Ước tính tổng thiệt hại do ngập lụt gây ra trong vụ Đông Xuân 2021 - 2022 trên địa bàn huyện là 35,939.33 triệu đồng.
Kết luận Hội nghị, ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện một số nội dung để công tác phòng, chống thiên tai trong khu vực đạt hiệu quả cao hơn nữa trong thời gian tới và sẵn sàng chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai bất thường, cực đoan, như: Chỉ đạo tiếp tục nâng cao năng lực công tác dự báo, cảnh báo, nhất là dự báo mưa lớn cục bộ, lũ, lũ quét, sạt lở đất; hoàn thành Chương trình phân vùng rủi ro thiên tai, xây dựng bản đồ phân vùng sạt lở đất, lũ quét tỷ lệ lớn, chi tiết đến cấp xã. Các địa phương triển khai hệ thống quan trắc giám sát chuyên dùng phục vụ công tác chỉ đạo điều hành; rà soát, sửa đổi các quy định trong quy trình liên hồ, quy trình đơn hồ để khắc phục những tồn tại, bất cập hiện nay, nhất là công tác thông tin, phối hợp trong xả lũ. Tiếp tục đầu tư, củng cố hệ thống đê sông, đê cửa sông đảm bảo phòng, chống lũ triệt để ứng với tần suất chống lũ đã quy định; củng cố, nâng cấp đê biển đảm bảo chống bão theo tiêu chuẩn thiết kế. Tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung. Các địa phương tiếp tục bố trí kinh phí, triển khai di dời các hộ dân trong vùng nguy cơ cao ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất…; xây dựng các nhà cộng đồng phòng, chống thiên tai phù hợp với tập quán và đặc điểm thiên tai của địa phương…