Ngành TT&TT cần ‘nghĩ xa, đi trước, làm được, nói chuẩn’
(23/12/2021, 14:47)
(Chinhphu.vn) - Đây là mong muốn, chia sẻ của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), chiều 22/12.
Phó Thủ tướng cho rằng ngành TT&TT đã đóng góp rất quan trọng, không thể thiếu, cùng với cả nước vượt qua 1 năm rất khó khăn.
Đồng hành với các bộ, ngành, địa phương
Nhắc lại sứ mệnh kế thừa và phát huy truyền thống của ngành bưu điện trước đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng ngành TT&TT không chỉ tiên phong mở đường mà còn phải đồng hành, thúc đẩy các ngành, địa phương phát triển.
Phó Thủ tướng dẫn số liệu cho thấy hiện nay, quy mô kinh tế số của Việt Nam ở mức khoảng 21 tỷ USD, tương đương với Malaysia, thấp hơn Thái Lan (30 tỷ USD), Indonesia (74 tỷ USD). Dự kiến 3 năm tới quy mô kinh tế số của Việt Nam sẽ vượt xa Malaysia, Thái Lan, chỉ đứng sau Indonesia. Điều đó cho thấy kết quả đáng mừng từ những việc mà ngành TT&TT đã làm được trong thời gian qua, thể hiện ở những chỉ số trong các bảng xếp hạng do các tổ chức quốc tế đánh giá. Tuy nhiên, đây mới chỉ là dự báo và cũng như Việt Nam, các nước khác cũng đang nỗ lực, cố gắng trong lĩnh vực này, chưa kể ngành TT&TT sẽ gặp những khó khăn không lường trước được.
Nói về vai trò đồng hành của ngành TT&TT, Phó Thủ tướng nhấn mạnh trong công cuộc chống dịch, phát triển kinh tế - xã hội năm qua, báo chí truyền thông đã đồng hành với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương để cùng nhau động viên người dân, doanh nghiệp thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
“Trong chống dịch COVID-19, chúng ta đã huy động được toàn dân tham gia. Kể cả trong những thời khắc khó khăn nhất thì niềm tin và sự đồng hành của người dân Việt Nam với các chủ trương của Đảng và Nhà nước trong chống dịch có tỷ lệ cao nhất thế giới”, Phó Thủ tướng nêu ví dụ và cho rằng công tác báo chí, truyền thông có đóng góp rất quan trọng.
Do đó, trong rất nhiều các vấn đề về chủ trương chính sách, bên cạnh thông tin trên báo chí, Bộ TT&TT cần quan tâm hơn nữa đến công tác quản lý thông tin trên mạng xã hội, từ đó dự báo, cảnh báo, phối hợp với các bộ, ngành để chủ động cung cấp thông tin sớm nhất cho báo chí về những vấn đề mà dư luận, xã hội quan tâm.
Tạo bước tiến thực chất trong chuyển đổi số
Nêu rõ công tác chuyển đổi số đã đi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống, Phó Thủ tướng cho rằng Bộ TT&TT không chỉ đồng hành mà còn cần hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương.
Theo Phó Thủ tướng, Bộ TT&TT đã cơ bản xây dựng được các chiến lược, đề án. Các địa phương cơ bản xác định được những công việc cần phải làm. Bộ TT&TT cần thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng CNTT của các địa phương bằng cách làm mẫu, đi trước và hỗ trợ.
Cách đây 1 năm, Bộ TT&TT và tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp để hình thành các mô hình xã chuyển đổi số. Từ kinh nghiệm ứng phó với dịch COVID-19, Bộ TT&TT cần tiếp tục lập nhiều nhóm làm việc, nhóm công tác với sự tham gia của các đơn vị trong Bộ, doanh nghiệp, chuyên gia, để giải bài toán chuyển đổi số cụ thể cho từng xã, từng huyện, từng tỉnh.
Phó Thủ tướng cho rằng năm 2022, chúng ta phải có những chuyển biến mạnh hơn về xây dựng cơ sở dữ liệu, yếu tố mang tính sống còn đối với người làm CNTT. Phó Thủ tướng lấy ví dụ từ cơ sở dữ liệu dân cư cần triển khai những dịch vụ thiết thực, đơn cử như mọi người dân chỉ cần khai báo thông tin cơ bản về nhân thân một lần duy nhất, và khi đến làm việc, giao dịch tại các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thiết yếu như điện, nước không bao giờ phải khai báo lại.
Các cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp của ngành thuế, hải quan, ngân hàng, đăng ký doanh nghiệp,... cần được kết nối lại và nâng tầm lên một bước để doanh nghiệp không phải phục vụ thanh tra, kiểm tra hay báo cáo nhiều như trước nữa.
Phó Thủ tướng cũng nêu yêu cầu trong năm 2022 tập trung hoàn thành cơ sở dữ liệu về tài nguyên, đặc biệt là đất đai.
Với 3 cơ sở dữ liệu lớn về dân cư, doanh nghiệp, đất đai, cộng với thanh toán điện tử, chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số sẽ có những bước tiến thực chất.
“Chúng ta đã làm được rất nhiều việc, có những việc riêng lẻ với nhau liên quan đến chuyển đổi số. Năm 2022 sẽ là năm kết nối lại để thành kết quả rõ rệt trong chuyển đổi số”, Phó Thủ tướng nói.
Trước những diễn biến khó lường của dịch COVID-19, ngành TT&TT cần tiếp tục hoàn thiện các giải pháp công nghệ phục vụ chống dịch trên tinh thần chủ động đón đầu, thanh đổi các nền tảng để đáp ứng tình hình mới, trong điều kiện người dân đã được tiêm đủ mũi vaccine, chủ động về xét nghiệm, thuốc điều trị… Bên cạnh đó, ngành TT&TT, doanh nghiệp CNTT cần tiếp tục phát triển các nền tảng thúc đẩy chuyển đổi số như thương mại điện tử, học trực tuyến,... với sự ủng hộ của các ngành, địa phương và người dân.
Phó Thủ tướng mong muốn bước sang năm 2022, ngành TT&TT tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tiên phong, đồng hành, hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương với tinh thần “nghĩ xa, bước trước, làm được, nói chuẩn”./.