Lễ mừng thọ của người Mnông Gar - Vẹn nguyên giá trị bản sắc văn hóa dân tộc
(10/12/2020, 09:48)
Buôn Jie Yuk, xã Đắk Phơi được thành lập vào năm 1976, có 159 hộ với 876 nhân khẩu, chiếm 95% là người dân tộc M’Nông Gar. Đây cũng được coi là cái nôi của nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Mnông Gar, nơi đây còn lưu giữ nhiều phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp của cha ông xưa để lại như lễ cúng lúa mới, lễ mở mắt cho con, lễ cúng nhà mới… Trong đó lễ mừng thọ cho cha mẹ vẫn được người dân nơi đầy tổ chức thường xuyên và giữ nguyên phong tục truyền thống của người Mnông Gar nói riêng và người M’nông ở huyện Lắk nói chung. Để giữ gìn giá trị văn hóa của lễ mừng thọ cụa người Mnông Gar, Sở Văn hóa – Thể thao và du lịch tỉnh Đắk Lắk vừa phối hợp Phòng Văn hóa thông tin huyện phục dựng lại lễ hội Mừng thọ của Mnông Gar tại Buôn Jie Yuk, xã Đắk Phơi.
Theo phong tục truyền thống của đồng bào M’nông Gar ở buôn Jiê Yuk thì khi bố mẹ đã trên tuổi 60 thì con cái trong gia đình sẽ tổ chức lễ mừng thọ cho cha mẹ, nhằm thể hiện sự biết ơn công lao đã sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ. Trước kia buổi lễ mừng thọ cho cha mẹ thường được người con gái cả tổ chức nhưng ngày nay tất cả người con đều được tổ chức lễ mừng thọ cho cha mẹ mình. Buổi lễ mừng thọ thường tổ chức vào tháng1 đến 2 dương lịch hàng năm, sau khi đã kết thúc mùa nương, rẫy.
Trong nghi lễ cúng mừng thọ của người M’Nông Gar gồm có các lễ vật: 3 ché rượu cần, 1 con heo, 3 chén đựng cơm; 3 chén rượu cần, 3 ống lồ ô, 1 hô lô đựng đầy nước. Ngay từ sáng sớm mọi thành viên trong gia đình đều tất bật mỗi người một công việc, bà con trong buôn làng đến chung vui với gia đình. Khi tất cả các lễ vật được chuẩn bị đầy đủ thì các thủ tục của nghi lễ cúng mừng thọ sẽ bắt đầu. Thầy cúng gọi Yang gồm thần núi, thần rừng, thần nước để xin phép được tổ chức lễ mừng thọ, cầu khấn mong thần linh phù hộ cho người được mừng thọ có sức khỏe, sống lâu cùng con cháu. Sau đó thầy cúng sẽ mời người cha người mẹ cầm rượu cần uống và tiếp tục cầu khấn, trao chiếc còng giống như một tín vật của thần linh thể hiện sự gắn kết giữa con người với thần linh mong thần linh luôn ở bên cạnh che chở, phù hộ những điều tốt đẹp nhất. Sau đó các thành viên trong gia đình lần lượt thay phiên nhau mời bố mẹ uống rượu cần, gắp thức ăn và nói lời cầu chúc cha, mẹ. Ngay sau lễ cúng mừng thọ gái trai trong buôn làng sẽ đến chúc thọ, cùng nhau múa hát, uống rượn cần.
Nói về ý nghĩa của lễ mừng thọ, già làng Ma Thuyên, buôn Jiê Yuk, xã Đắk Phơi cho biết: “Với đồng bào M’nông chúng tôi, lễ mừng thọ có ý nghĩa rất to lớn. Bởi lẽ, mỗi khi nhà nào tổ chức lễ mừng thọ thì con cháu, bà con trong buôn đều về bên nhau để cầu chúc cho cha mẹ, ông bà sống lâu trăm tuổi. Hơn nữa, đây còn là cơ hội để cho anh chị em trong nhà quây quần, cùng nhau chia sẻ những khó khăn và trải nghiệm của cuộc sống, cùng nhau xây dựng kế hoạch để chăm sóc bố mẹ tốt hơn”. Còn ông Y Tiêng Je - Buôn Jie Yuk, xã Đắk Phơi cho biết: “Tôi năm nay đã 71 tuổi, từ nhỏ tôi đã được tham dự nhiều buổi lễ mừng thọ được tổ chức ở trong buôn, khi đã già tôi cũng may nắm được con cháu tổ chức lễ mừng thọ, khi được mừng thọ cảm thấy rất vui, rất hạnh phúc vì chứng kiến con cái mình trưởng thành, biết hiếu thảo với cha mẹ. Vì thế, cho dù cuộc sống có khó khăn đến đâu nhưng đồng bào chúng tôi vẫn luôn chăm sóc cho ông bà cha mẹ một cách đầy đủ và chu đáo”.
Đối với người Mnông Gar tại huyện Lắk lễ mừng thọ là lễ hội ra đời từ rất sớm. Cuộc sống của con người nơi đây gắn bó tự nhiên, tín ngưỡng tâm linh luôn được các thần núi , thần nước, thần rừng phù hộ, con người sống luôn có sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình; giữa gia đình với dòng tộc và dòng tộc với buôn làng. Vì vậy lễ mừng thọ là không tục tập quán không thể thiếu được trong đời sống tâm linh của họ. Các hoạt động phục dựng lễ hội Mừng thọ sẽ như bảo tàng sống để giữ nguyên giá trị văn hóa bản sắc của người dân tộc Mnông Gar đã được lưu truyền, kế thừa qua nhiều thế hệ.