Họp trực tuyến phiên họp thứ Tám Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ
(16/07/2024, 14:05)
Sáng ngày 15/7/2024, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức họp trực tuyến với các bộ ngành, địa phương để đánh giá kết quả triển khai công tác cải cách hành chính 06 tháng đầu năm và giải pháp, nhiệm vụ 06 tháng cuối năm 2024.
Tại điểm cầu Trung ương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ chủ trì phiên họp. Tham dự phiên họp có: Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng ban Thường trực; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các thành viên Ban Chỉ đạo; các Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đại biểu tham dự phiên họp tại điểm cầu trực tuyến huyện Lắk
Tại điểm cầu trực tuyến huyện Lắk, đồng chí Nguyễn Anh Tú - Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính huyện chủ trì. Tham dự có các đồng chí thành viên ban chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban chỉ đạo cải cách hành chính của huyện.
Năm 2023, công tác cải cách hành chính huyện Lắk tuy có chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn tồn tại, hạn chế nhất định. Huyện Lắk đạt 80,44 điểm xếp thứ 14/15 đơn vị cấp huyện trên địa bàn tỉnh, tăng 01 bậc so với năm 2022. Các chỉ số để mất điểm là Xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số mất 7,46 điểm, Cải cách thủ tục hành chính mất 2,09 điểm, cải cách tổ chức bộ máy hành chính mất 1,56 điểm…06 tháng đầu năm 2024, các cấp các ngành, địa phương huyện Lắk đã nỗ lực khắc phục tồn tại, hạn chế công các cải cách hành chính của năm 2023. Các nhiệm vụ trọng tâm của công tác CCHC đều có chuyển biến tích cực; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết sớm hạn, được công khai minh bạch đầy đủ trên hệ thống iGate, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến, giảm hồ sơ trễ hạn, hồ sơ số hóa đều tăng so với năm 2023. Công tác xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số được quan tâm thực hiện; các đơn vị, địa phương đã tích cực đầu tư trang thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin để đáp ứng yêu cầu công việc; tăng cường công tác phối hợp, trao đổi giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương việc ứng dựng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước; tiếp tục đẩy mạnh cấp chứng thư số, đẩy mạnh việc thực hiện ban hành văn bản điện tử cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã đạt được trên địa bàn huyện vẫn còn những hạn chế cần tháo gỡ như trang thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin được quan tâm đầu tư nhưng không đồng đều; các phần mềm ứng dụng chưa được tích hợp, mỗi phần mềm đòi hỏi cấu mình máy tính khác nhau…
Đối với của Trung ương, tại phiên họp đã chỉ ra 8 kết quả tích cực, nổi bật trong nửa đầu năm 2024, đó là
Thứ nhất, công tác chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện CCHC được triển khai bài bản, bám sát thực tiễn, phát huy hiệu quả.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, công điện đôn đốc cải cách tổ chức bộ máy hành chính, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tăng cường kỷ luật, kỷ cương. Việc tổ chức thực hiện được triển khai từ Trung ương đến địa phương, hoàn thành 10/12 nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo; các bộ, ngành đã hoàn thành 400/991 nhiệm vụ; các địa phương đã hoàn thành 1.327/3.009 nhiệm vụ.
Trong 6 tháng đã có 2.870 văn bản (các bộ: 305 văn bản; địa phương: 2.565 văn bản) được ban hành để chỉ đạo, đôn đốc, quán triệt thực hiện nhiệm vụ CCHC. Lãnh đạo Chính phủ và bộ, ngành, địa phương đã tích cực tham gia nhiều diễn đàn đối thoại và trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực thi công vụ của công chức được tăng cường.
Thứ hai, công tác cải cách thể chế, xây dựng pháp luật được quan tâm, có nhiều đổi mới.
Trong 6 tháng đầu năm, Chính phủ đã tổ chức 5 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; ban hành 83 nghị định, 8 nghị quyết (thông qua 11 đề nghị xây dựng luật, 17 dự án luật). Đã trình Quốc hội cho phép áp dụng các Luật: Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Tổ chức tín dụng có hiệu lực sớm hơn từ 1/8/2024. Thành lập Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban.
Thứ ba, cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được đẩy mạnh. Đã cắt giảm, đơn giản hóa 168 quy định kinh doanh, 247 TTHC, giấy tờ công dân, thực thi phương án phân cấp đối với 108 TTHC. Thủ tướng đã phê duyệt phương án đơn giản hóa đối với 40 TTHC nội bộ. Giao thực hiện thí điểm Mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc UBND cấp tỉnh tại Hà Nội, TPHCM, Quảng Ninh, Bình Dương.
Thứ tư, cải cách tổ chức bộ máy được thực hiện quyết liệt và có nhiều chuyển biến tích cực.
Đến nay, đã giảm được 33 đơn vị sự nghiệp công lập cấp bộ, dự kiến trong năm 2024 giảm 72 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền của Thủ tướng. Các địa phương đã giảm 10 tổ chức cấp phòng thuộc UBND tỉnh và 8 tổ chức cấp phòng thuộc UBND cấp huyện. 53 tỉnh, thành phố thực hiện sắp xếp 49 đơn vị cấp huyện, 1.247 đơn vị cấp xã.
Thực hiện tinh giản biên chế, 6 tháng đầu năm 2024, các bộ, ngành, địa phương giảm 3.853 người; trong đó, địa phương là 3.746 người. Đồng thời tuyển dụng 30 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.
Thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ; thành lập Tổ công tác tổng kết thi hành Luật Tổ chức Chính phủ; lập hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Thứ năm, cải cách chế độ công vụ có nhiều chuyển biến tích cực. Cải cách chính sách tiền lương có kết quả khả quan, chính thức tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng thực hiện từ ngày 1/7/2024, bảo đảm công bằng, bình đẳng, hài hòa, ổn định.
Kỷ cương, kỷ luật công vụ được siết chặt; xử lý nghiêm các sai phạm; 6 tháng đầu năm có 139 cán bộ, 432 công chức và 767 viên chức bị kỷ luật.
Thứ sáu, cải cách tài chính công được triển khai tích cực. Thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đạt 60% dự toán, tăng 15,7%; đã tích lũy khoảng 700.000 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước để sử dụng cho tăng lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp từ ngày 1/7/2024; các giải pháp chính sách tài khóa, miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp với quy mô dự kiến cả năm khoảng 200.000 tỷ đồng.
Thứ bảy, chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ số được triển khai quyết liệt, hiệu quả và đi vào thực chất. Khung pháp lý phát triển Chính phủ số được tích cực hoàn thiện (đã ban hành 10 nghị định, 6 quyết định và 5 thông tư); cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai; kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu có bước phát triển; cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp được đẩy mạnh; triển khai Đề án 06 có kết quả tích cực.
Thứ tám, một số điển hình tốt như Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Trị, Hậu Giang, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, NHNN, Bộ GTVT, Bộ Tài chính…
Cũng tại phiên họp, Ban Chỉ đạo CCHC Chính phủ cũng thẳn thắn nhìn nhận: Một số cơ chế, chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực còn thiếu đồng bộ, chồng chéo, mâu thuẫn, chưa phù hợp thực tiễn, chậm sửa đổi, bổ sung, tháo gỡ, gây khó khăn cho tổ chức thực hiện ở địa phương; một số bộ, ngành còn chậm trễ trong việc ban hành quyết định công bố TTHC dẫn đến khó khăn cho địa phương trong việc công bố, niêm yết, công khai TTHC; một số địa phương chưa kiểm soát chặt chẽ về thời hạn trong giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp dẫn đến tỷ lệ hồ sơ giải quyết quá hạn hoặc từ chối giải quyết còn nhiều…
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản thống nhất với các báo cáo và ý kiến về 8 kết quả nổi bật, tích cực trong 6 tháng đầu năm, đồng thời ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương; sự chỉ đạo quyết liệt của thành viên Ban Chỉ đạo CCHC thời gian qua; có nhiều đóng góp tích cực, quan trọng vào thành công chung của cả nước.
Định hướng thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm, tinh thần "5 đẩy mạnh" gồm: Đẩy mạnh rà soát các quy định, tháo gỡ khó khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, cơ chế, chính sách để huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước cho sự phát triển; đẩy mạnh đối thoại, chia sẻ, xử lý vướng mắc, bất cập cho người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là về TTHC để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phòng chống, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số, xã hội số, công dân số, số hóa dữ liệu, hồ sơ; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên tất cả các lĩnh vực, tất cả các giao dịch.
Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các bộ ngành, địa phương, các thành viên Ban Chỉ đạo khẩn trương rà soát, xác định rõ những điểm nghẽn đang cản trở hoạt động CCHC, đề xuất các giải pháp cụ thể để tháo gỡ; ưu tiên giải quyết ngay những vấn đề nóng, cấp bách, bức xúc trong nhân dân. Các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ban Chỉ đạo và các nhiệm vụ CCHC đề ra theo kế hoạch của từng cơ quan, đơn vị./.